Trong bối cảnh TP.HCM dự kiến sẽ mở cửa kinh tế theo 3 giai đoạn, thì việc phòng dịch càng trở nên quan trọng đối với sức khỏe người lao động cũng như tài chính của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ vừa sản xuất vừa phòng bệnh chặt hơn trong giai đoạn tới
ĐÀO NGỌC THẠCH
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 11.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo, đã nhấn mạnh “phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”, đồng thời cho rằng “một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân”.
Trong bối cảnh TP.HCM dự kiến sẽ mở cửa kinh tế theo 3 giai đoạn, thì việc phòng dịch càng trở nên quan trọng đối với sức khỏe người lao động cũng như tài chính của doanh nghiệp.
Vừa sản xuất vừa phòng bệnh
Điều này được tất cả doanh nghiệp (DN) đồng lòng nhất trí và khẳng định sẽ tuân thủ đúng các quy định phòng dịch mà ngành y tế đưa ra. Bởi như thế vừa đảm bảo sức khỏe của bản thân chủ DN cùng người lao động, vừa duy trì sản xuất, giữ được đơn hàng, tạo thu nhập cho nhiều người.
Dưới góc độ chuyên môn, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM), cho rằng tại các DN thì hầu như người lao động là trẻ, dưới 55 tuổi và đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1. Bên cạnh đó, tốc độ tiêm vắc xin mũi 2 cũng đang được đẩy nhanh và hy vọng sẽ bao phủ trong thời gian sớm. Vì vậy, các đối tượng này nếu có bị nhiễm bệnh cũng sẽ nhẹ, ngoại trừ một số trường hợp như bị bệnh nền, bệnh béo phì mới có nguy cơ trở nặng.
Tuy nhiên, để phòng bệnh trong hoạt động sản xuất, các DN vẫn nên hạn chế tối đa các hoạt động tiếp xúc trực tiếp. Tương tự, áp dụng biện pháp phòng bệnh tại nơi ở cho công nhân, tránh tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ cao. Hoạt động trong thời gian tới, DN nên tổ chức lại theo các phương thức như cho sản xuất riêng đối với những người có nguy cơ cao. Còn với những người có triệu chứng nhiễm bệnh thì cho nghỉ ngơi.
BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là việc người lao động đã được tiêm vắc xin nên cũng không cần thiết phải xét nghiệm thường xuyên như yêu cầu khi tổ chức sản xuất theo phương thức 3 tại chỗ. Vì những người đã tiêm vắc xin khi có bệnh đa số đều nhẹ và tự hết. Việc yêu cầu xét nghiệm thường xuyên gây tốn kém cho DN mà không cần thiết vì không để làm gì”.
Chậm mở cửa kinh tế càng kiệt quệ
Chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số tiền phải chi ra cho phòng chống dịch bệnh của TP.HCM trong thời gian qua hay thiệt hại về kinh tế ở mức độ nào. Nhưng theo nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid -19 lần 4” của Trường ĐH Kinh tế - Luật, ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ tại TP.HCM trong tháng 7 đã giảm mạnh, đây là 2 ngành chiếm khoảng 87% GRDP của thành phố. Các ngành này tiếp tục lao dốc trong tháng 8 như doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỉ đồng, bằng 30% so với bình thường; Doanh số xuất khẩu giảm đến 24,2% sau 2 tuần đầu tháng 8... Nguyên liệu thiếu hụt, tăng giá cùng với sự gia tăng tiền lương và chi phí sản xuất để tuân thủ yêu cầu 5K, hoặc phải ngưng hoạt động, hay hoạt động với công suất thấp trong thời gian dài đã làm suy kiệt năng lực tài chính của DN gây nguy cơ mất thanh khoản, giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay...
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã có những phân tích cho thấy người đã tiêm vắc xin mũi 1 thì khả năng bị nhiễm bệnh với nguy cơ nặng hơn sẽ thấp. Do vậy, TP.HCM dù thận trọng khi mở cửa lại kinh tế, nhưng không thể quá cứng.
Chẳng hạn, chỉ nên tập trung hệ thống y tế để chữa trị ca bệnh nặng chứ không phải cách ly tất cả người nhiễm bệnh (F0) như trước đây. Do đó, cần hướng dẫn cụ thể cho DN trong hoạt động sắp tới về các quy định phòng dịch. Hoặc hướng dẫn cho DN nếu có ca nhiễm bệnh, thì cho tự cách ly, chữa trị vì đa số người trẻ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Không thể bắt DN dừng tất cả hoạt động sản xuất nữa. Bởi dù có tính được chi phí điều trị cho một ca F0 thì cũng không thể đo lường hết được thiệt hại khi nền kinh tế bị kiệt quệ vì sẽ rất khó phục hồi được.
Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp, trưởng nhóm kinh tế cho dự án TP.HCM của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia VN toàn cầu (AVSE Global), đưa ra khuyến nghị về các chính sách sống chung với dịch dựa theo kinh nghiệm của một số nước như Singapore, Mỹ... Đó là những người có triệu chứng cảm cúm phải nghỉ làm, tự cách ly ở nhà, đi xét nghiệm Covid-19; Tất cả các công ty, cửa hàng, văn phòng, bệnh viện, trạm xá, nhà máy đang hoạt động thường xuyên lau chùi và khử trùng địa điểm, những khu vực đông người ra vô và những bề mặt thường chạm vào (ví dụ như tay nắm cửa, phòng vệ sinh, chỗ ngồi (ít nhất là hằng ngày và nhiều lần hơn nếu khả thi).
Các tổ chức và doanh nghiệp cần lên kế hoạch hoạt động và vận hành cụ thể theo quy định của Chính phủ và phương án khi có người bị nhiễm bệnh hoặc liên quan đến người bị nhiễm bệnh. Đó là quy định số lượng nhân viên, ca, các quy định an toàn và các quy trình kiểm tra an toàn nội bộ cũng như đối với khách hàng, nhà cung cấp… Đối với nhà máy sản xuất, đặc biệt cho những ngành nghề thuộc nhóm thiết yếu, nên yêu cầu bố trí lại văn phòng, nhà xưởng, nhân công để đảm bảo giãn cách và an toàn trong khi vận hành. Khuyến khích sản xuất vận hành bằng cách chia nhỏ theo ca kíp với số lượng từng ca đủ đảm bảo khoảng cách an toàn trong khi sản xuất để đảm bảo tính bền vững liên tục trong sản xuất, tránh trường hợp một công nhân nhiễm bệnh mà phải cách ly, xét nghiệm tất cả cán bộ công nhân viên trong nhà máy gây đình trệ toàn bộ sản xuất trong thời gian lâu hơn...
Đóng góp vào cơ cấu GRDP của TP.HCM là hơn 40% từ hoạt động ngành dịch vụ như nhà hàng, du lịch, thương mại... Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động của ngành này đã bị giảm sút nghiêm trọng và nếu sắp tới khi được phép mở cửa lại thì các đơn vị cũng khó hồi phục như trước khi có dịch Covid-19. Bởi tâm lý và hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. Người dân sẽ vẫn thực hiện phòng bệnh theo nguyên tắc 5K nên sẽ giảm việc đi nhà hàng, du lịch hay đi mua sắm ở các trung tâm thương mại.
“Vì vậy, việc mở cửa kinh tế TP.HCM là cần thiết chủ yếu lúc này để phục hồi khu vực sản xuất công nghiệp nhằm tạo thu nhập cho nhiều người dân. Nhất là với những ngành hoạt động thâm hụt lao động nhiều như dệt may, da giày... nếu không được sản xuất sẽ có hàng triệu gia đình bị mất thu nhập. Mà khi người dân không có tiền, không chi tiêu thì nền kinh tế càng bị suy thoái và sẽ khó hồi phục trở lại”, TS Lê Đạt Chí nói thêm.
Theo: Thanh Niên